featured image

[Recap workshop] Khởi nghiệp tinh gọn cùng Tùng BT

28 Jun 2023

Ngày càng có nhiều người có ý định khởi nghiệp và nuôi giấc mơ trở thành ông chủ/bà chủ. Tuy nhiên không phải ai cũng thành công khi mở công ty riêng. Thậm chí, nhiều người nhận thất bại từ lần này qua lần khác. Hiểu được lẽ đó, Aemi đã kết hợp cùng diễn giả Tùng BT tổ chức Workshop online “Khởi nghiệp tinh gọn” diễn ra vào ngày 12/5 vừa qua. Nếu bạn không có cơ hội tham gia buổi Workshop ngày hôm đó, thì bài viết này sẽ tổng hợp lại những kiến thức thực tiễn và chia sẻ từ anh Tùng BT. Cùng xem nhé!

Giới thiệu diễn giả Tùng BT

Tùng BT (Trần Thanh Tùng) là một cái tên quen thuộc mà bất kể những bạn trẻ nào cũng biết đến. Không chỉ thành công trên con đường khởi nghiệp với những lĩnh vực anh cho là “biến thái”, mà anh còn là diễn viên hài độc thoại vô cùng thành công. Hiện anh đang là Co-founder Monkey In Black Coffee, sở hữu hàng loạt kênh truyền thông (Saigon Tếu, Yêu là Đủ… với hàng chục triệu lượt xem mỗi tháng), từng đoạt giải thưởng Ý tưởng sáng tạo nhất (cuộc thi Startup Wheel 2015 do BSSC tổ chức) và là 1 trong 14 gương mặt khởi nghiệp tiêu biểu của giải thưởng Golf for startup 2019.

Diễn giả Tùng BT

Bằng phương thức kinh doanh độc đáo, Tùng BT đã và đang là cái tên đang rất thành công trên con đường khởi nghiệp. Anh luôn được biết đến như một doanh nhân năng động, vui vẻ, luôn nở nụ cười và đặc biệt là đầy tài năng.

Những nội dung chính trong buổi Workshop “Khởi nghiệp tinh gọn”

Khi dấn thân vào con đường khởi nghiệp, các nhà bán hàng sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và thách thức. Làm thế nào để kinh doanh thành công và có lợi nhuận? Đó là vấn đề được nhiều nhà bán hàng, các tiểu thương quan tâm. Để giúp các nhà bán hàng tự tin chinh phục chặng đường kinh doanh dài hạn, Aemi đã mời anh Tùng BT về làm diễn giả trong Workshop “Khởi Nghiệp Tinh Gọn”.

Workshop “Khởi nghiệp tinh gọn” đã diễn ra vô cùng thành công với sự tham dự đông đảo từ cộng đồng nhà bán hàng. Bên cạnh việc đem đến những kiến thức chuyên sâu về khởi nghiệp, câu chuyện kinh doanh thực tiễn, anh Tùng BT còn khiến khán giả phải “trầm trồ” bởi lối nói chuyện cuốn hút và có phần dí dỏm.

Workshop “Khởi nghiệp tinh gọm” được chia làm 4 phần thảo luận chính:

  • Bán gấu bông nhờ…. “cua crush”.
  • Marketing “định vị” trên lề đường.
  • Quản lý tài chính thông minh.
  • Tương tác & Đặt câu hỏi cùng diễn giả.

Workshop Online Miễn Phí "Khởi Nghiệp Tinh Gọn"

Phần 1: Bán gấu bông nhờ ….. “cua crush”

“Bình thường mới” thật ra là một cách nói khác của “làm lại từ đầu”. Và đương nhiên, trên đời này có hàng vạn hàng nghìn cách khác nhau để tiếp cận khách hàng mục tiêu. Nhưng cách mà anh Tùng BT đã chọn khi kinh doanh gấu bông là nhờ “cua crush”, hay nói theo phong cách dí dỏm của anh là “động lực nội tại”.

Bên cạnh việc lựa chọn phong cách bán hàng “độc lạ”, anh Tùng BT chia sẻ rằng, khi khởi nghiệp, việc lựa chọn một nguồn hàng phù hợp và uy tín là hoàn toàn cần thiết, thậm chí là quan trọng nhất. Bởi một khi đã tìm được một nguồn cung phù hợp rồi, nhà bán hàng hoàn toàn có thể “1 vốn 10 lời”.

Phương pháp tìm nguồn hàng phù hợp với tiêu chí

Hiểu nguồn lực của bản thân

Ở đây, anh Tùng BT khuyên rằng những người khởi nghiệp hãy áp dụng mô hình 5M. Cho những ai chưa biết mô hình này là gì, thì mô hình 5M là một phương pháp quản lý quan trọng với hiệu quả đã được chứng minh và áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay trên thị trường.

Năm yếu tố này cần được coi là tài sản của mọi doanh nghiệp, bao gồm:

  • Nhân lực (Manpower- nhân sự).
  • Nguyên vật liệu (Materials- Sản xuất).
  • Máy móc (Machine- Thiết bị).
  • Tiền (Money- Tài chính).
  • Phương pháp (Method- Quy trình).

Nguyên tắc 5M trong khởi nghiệp

Nguyên tắc đặt hàng

Nguyên tắc ABC

Nếu bạn muốn kinh doanh, thì bạn buộc phải nằm lòng và nắm vững nguyên tắc ABC trong việc quản lý tồn kho, quản lý vật tư và lập đơn hàng tự động đặt nhà cung cấp. Trong kinh doanh, kỹ thuật phân tích ABC thường được sử dụng nhằm xác định mức độ quan trọng của hàng hóa tồn kho. Qua đó, xây dựng phương pháp dự báo, chuẩn bị nguồn lực và xây dựng quy trình quản lý hàng tồn kho cho từng nhóm hàng khác nhau.

Phương pháp phân tích ABC được xây dựng trên cơ sở nguyên tắc Pareto – 20% hàng hóa đem lại 80% doanh số. Nói cách khác, nếu bạn kiểm soát tốt 20% hàng hóa này thì có thể kiểm soát 80% toàn bộ hệ thống.

Hàng hóa được khuyến cáo chia thành 3 thể loại:

Nhóm A: Là những hàng hóa có giá trị cao nhất, chiếm từ 70-80% so với tổng giá trị hàng hoá dự trữ trong kho. Đặc tính của nhóm hàng này:

  • Có tính chọn lọc nhà cung cấp cao
  • Cần sự chính xác về số lượng và thời gian đặt hàng
  • Cần mua hàng liên tục

Nhóm B: Bao gồm những loại hàng hoá dự trữ có giá trị hàng năm ở mức trung bình. Hàng hóa nhóm B là hàng trung gian, đem lại 15% chỉ tiêu bán hàng cho doanh nghiệp.

Nhóm C: Gồm những loại hàng có giá trị thấp, giá trị dự trữ chỉ chiếm 5% so với tổng giá trị hàng dự trữ. Nhóm hàng này cần:

  • Đơn giản hoá quy trình mua hàng
  • Thời gian giữa các lượt đặt hàng dài

Hiểu rõ nguyên tắc ABC trong khâu quản lý tồn kho và lập đơn hàng

Nguyên tắc XYZ

Khác với nguyên tắc ABC, nguyên tắc XYZ cũng là một phương pháp dùng để đánh giá mức độ ổn định của hàng hóa bán ra, là 1 trong những kỹ thuật quan trọng khi quản lý hàng hóa để tránh thất thoát. Các hàng hóa mà được bán ổn định trong kỳ được chọn thuộc nhóm X, còn hàng hóa bán ở mức độ trung bình thuộc nhóm Y. Hàng hóa mà khó dự báo thì rơi vào nhóm Z. Cụ thể hơn:

  • X là hàng hóa có nhu cầu ổn định, thường có mức độ biến thiên dưới 15%. Lượng hàng hóa mỗi kỳ bán ra tương đương nhau.
  • Y là hàng hóa có đặc trưng theo mùa vụ, tăng hoặc giảm nhu cầu theo thị hiếu/quảng cáo…, có độ biến thiên từ 15-50%. Do đó, cần phải suy nghĩ thật kỹ trước khi đặt hàng.
  • Z là hàng hóa mà khi bán không thể dự báo được bất kỳ điều gì (có độ biến thiên trên 50%).

Áp dụng nguyên tắc XYZ trong quá trình khởi nghiệp

Phối hợp 2 nguyên tắc ABC và XYZ

  • Hàng hóa nhóm A và B đảm bảo luồng quay vòng chính cho doanh nghiệp. Bởi vậy, hàng hóa này luôn phải có trong kho. Hàng mức A có thể thừa còn mức B là đủ. Dùng phân tích XYZ giúp quản lý hệ thống hàng hóa chính xác hơn, giảm mức độ tồn kho xuống thấp nhất.
  • Hàng hóa nhóm AX và BX có đặc trưng là vòng quay nhanh và ổn định. Hàng nhóm này nên có sẵn và cũng không nhất thiết phải dư thừa nhiều. Bởi hàng nhóm này thường ổn định, có thể dự báo được.
  • Hàng hóa thuộc nhóm AY và BY có vòng quay nhanh nhưng lại không đủ ổn định, nên cần phải có hàng dự phòng.
  • Hàng hóa nhóm AZ và BZ có vòng quay nhanh, nhưng lại khó dự báo. Hàng hóa này cần kiểm soát tốt nếu không sẽ bị tồn kho nghiêm trọng.
  • Hàng hóa thuộc nhóm C thường phủ 80% điểm hàng hóa của doanh nghiệp. Phân tích XYZ sẽ giúp người quản lý giảm bớt thời gian kiểm soát hàng hóa thuộc nhóm này.
  • Đối với hàng hóa thuộc nhóm CX, có thể áp dụng hệ thống đặt hàng với tần suất thường xuyên và giảm bớt lượng vật tư dự phòng trong kho.
  • Hàng hóa nhóm CY, có thể chuyển sang hệ thống đặt hàng với đơn hàng có giá trị (số lượng) không đổi, nhưng cần đảm bảo mức tồn kho an toàn phù hợp với tài chính của doanh nghiệp.
  • Nhóm hàng CZ thường là các hàng hóa mới, hàng hóa với nhu cầu tự phát do phát sinh đơn hàng của khách… Mặt hàng này có thể mạnh dạn loại bỏ, nếu chủ động lấy về không đúng nhu cầu của khách sẽ dễ dẫn tới tồn kho, mang lại rủi ro nghiêm trọng cho doanh nghiệp của bạn.

Làm sao để định giá sản phẩm khi khởi nghiệp?

Triển khai bán hàng và “hành lang giá”

Một trong những khía cạnh thú vị nhưng đau đầu nhất của bán lẻ là xác định mức giá để bán sản phẩm của bạn. Theo chia sẻ của anh Tùng BT, bạn sẽ phải quyết định xem bạn muốn giá cao hơn cho sản phẩm của bạn với lượng bán thấp hơn hay sản phẩm giá thấp hơn với lượng bán cao hơn và hướng đi nào sẽ cho phép bạn thu được lợi nhuận. Cũng nên lưu ý rằng khi bạn có một loạt các sản phẩm, đôi khi bạn có thể giảm giá cho sản phẩm này và bán các sản phẩm đáng chú ý khác ở mức giá cao hơn.

Dưới đây là công thức mà anh Tùng BT đã đưa ra.

Làm sao để “tăng thu, giảm chi”?

Mọi nhà bán hàng đều mong muốn rằng lợi nhuận của mình có thể đạt đến ngưỡng tối đa. Những ai vẫn đang loay hoay trong việc tìm cách tối ưu hóa chi phí thì hãy xem ngay những chia sẻ từ anh Tùng BT.

Theo anh, trong giai đoạn khởi nghiệp, những nhà bán hàng cần TĂNG:

  • Sản phẩm: SKU mới, Quy cách mới trong product line và mở rộng ngành hàng hoặc thêm ngành hàng mới.
  • Thêm kênh bán hàng: Hãy cố gắng mở rộng kênh bán hàng của bạn hết sức có thể.  Tận dụng sức nóng của thời đại công nghệ 4.0, bạn hoàn toàn có thể mở gian hàng trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada (B2C) hay đối với B2B thì có Aemi.
  • Khách hàng: “Chìa khóa” dẫn đến mọi thành công của doanh nghiệp nằm ở lượng khách hàng. Vậy nên, bạn hãy cố gắng mở rộng tệp khách hàng của mình hết sức có thể, đặc biệt bạn hãy khai thác sâu 1 khách hàng để xem có thể thêm sku liên quan vào ngành hàng của mình không.
  • Truyền thông: Thời đại truyền thông số lên ngôi. Lời khuyên của anh Tùng là hãy thử chạy các bài quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram,..

Phần 2: Marketing “định vị” trên lề đường

Hệ quả nghiêm trọng nhất mà việc quá tải thông tin đem lại đến với người tiêu dùng đó là sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp dù có tốt hay hiệu quả tới đâu lại trở nên mờ nhạt và khó có thể đọng lại được trong tâm trí khách hàng. Vấn để ở đây có thể còn sâu xa hơn cả yếu tố bề mặt là nên dùng thông điệp gì để nói và kết nối với khách hàng vì có thể sản phẩm của bạn đem lại hiệu quả thật sự mang lại sự tỉnh táo tột bậc thật, nhưng bạn cũng nên chấp nhận rằng, khách hàng chẳng cần một sản phẩm “tốt hơn” của bạn.

Vậy làm thế nào để thương hiệu và sản phẩm của bạn “đọng lại” trong tâm trí khách hàng, đây ắt hẳn là một bài toán khó giải đối với những người mới tập tành khởi nghiệp. Trên thực tế, dù bạn có “sự nhạy bén về marketing”, nhưng khi chiếc giày đã ở trong chân người khác và người đi đầu về marketing lại không phải là người đi đầu trong ngành hàng thì sản phẩm mới của họ cũng lại chỉ là một loại “ăn theo” mà thôi.

Vì lẽ đó, Big Idea chính là “ứng cử viên” sáng giá trong trường hợp này.

Tìm hiểu về Big Idea

Công thức Big IDea

Big Idea là cách truyền đạt thương hiệu, sản phẩm hoặc một khái niệm nào đó tới công chúng bằng cách tạo ra một thông điệp mạnh mẽ vượt qua ranh giới của thương hiệu. Một Big idea tốt cần đáp ứng các tiêu chí:

  • Có khả năng thay đổi
  • Có thể sở hữu được
  • Đơn giản, độc đáo, có sức hút, có khả năng lan tỏa tự nhiên và xoay quanh cái tôi.

Để tìm được kết nối thương hiệu thì bạn phải có cái nhìn sâu sắc về chính thương hiệu của mình. Vì thế, bạn cần phải hiểu rất rõ về định vị, phân khúc, đối thủ, các chiến dịch trước đó, vấn đề, lợi thế, giọng điệu… Từ đó kết nối các ý tưởng lại với nhau và nó sẽ trở thành Big Idea.

Tìm hiểu về 4Ps Marketing

4P Trong marketing là mô hình marketing bao gồm 4 yếu tố cơ bản: Product (Sản phẩm), Price (Giá cả), Place (Địa điểm), Promotion (Quảng bá). 4 yếu tố này còn được gọi là marketing hỗn hợp hoặc Marketing Mix. Mức độ thành công ở việc áp dụng 4P trong marketing sẽ ảnh hưởng mạnh đến doanh thu của bạn.

Workshop Online "Khởi nghiệp tinh gọn" của Aemi và diễn giả Tùng BT

So sánh giữa đổi mới (innovative) và sáng tạo (creative)

Sáng tạo là điểm khởi đầu cho sự đổi mới; hai khái niệm khác nhau về trọng tâm và kết quả của chúng. Sáng tạo là tạo ra những ý tưởng mới, trong khi đổi mới là biến những ý tưởng đó thành hiện thực và tạo ra giá trị. Đổi mới đòi hỏi sự sáng tạo, nhưng sự sáng tạo có thể đứng một mình.

3 điểm khác biệt lớn nhất giữa đổi mới và sáng tạo:

  1. Sáng tạo là khả năng tạo ra những ý tưởng hoặc khái niệm mới và độc đáo.
  2. Sự đổi mới biến những ý tưởng mới và độc đáo thành những sản phẩm hoặc dịch vụ thiết thực và có giá trị.
  3. Sáng tạo tập trung vào trí tưởng tượng, trong khi đổi mới tập trung vào thực hiện và triển khai.

Cách ứng dụng Innovation – Đổi mới

Với những tiến bộ công nghệ phá vỡ tất cả các ngành công nghiệp, các doanh nghiệp phải đổi mới liên tục để duy trì sự phù hợp cơ bản và không bị tụt hậu. Theo anh Tùng BT, cách để áp dụng đổi mới vào trong hoạt động kinh doanh của mình đó là kết hợp 2 cái đã cũ lại, đồng thời cải tiến 1 chi tiết nhỏ trong sản phẩm cũ để nó trở nên phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng hơn. 

Cặp vợ chồng này đã áp dụng "Đổi mới" trong phong cách Livestream của mình

Cặp vợ chồng này đã áp dụng “Đổi mới” trong phong cách Livestream của mình

MVP (Minimum viable product) là gì?

Được đúc kết từ kinh nghiệm của các startup thành công, khái niệm MVP ra đời đã giúp hàng nghìn startup khởi sự một cách thông minh và vững chắc hơn. MVP hay “sản phẩm khả dụng tối thiểu” là phiên bản đầu tiên của sản phẩm mới mà bạn cho ra mắt thị trường, với các tính năng tối thiểu nhất, để bạn có thể nhanh chóng tiếp cận những khách hàng đầu tiên và nhận phản hồi nhiều nhất từ khách hàng, với ít nỗ lực nhất. Từ đó, bạn đánh giá được nhu cầu của thị trường, dần cải tiến sản phẩm, hướng đến việc xây dựng sản phẩm hoàn chỉnh trong tương lai.

Xin hãy nhớ rằng: MVP bao gồm hai yếu tố “tối thiểu” “khả dụng”.

Ứng dụng mô hình MVP khi khởi nghiệp

3 bí quyết để phát triển chiến lược Content Creating – xu hướng marketing hiện nay

Bằng những kinh nghiệm thực tiễn được đúc kết trong vô số lần khởi nghiệp của anh Tùng BT, đây sẽ là 3 bí quyết bạn chắc chắn không thể bỏ qua nếu muốn phát triển chiến lược Content:

Bí quyết 1: Đăng tải bài viết với tần suất đều đặn.

Bí quyết 2: Như đã chia sẻ ở trên, hãy khai thác tối đa insight khách hàng, từ đó bạn có thể xây dựng nên những Big Idea giúp thương hiệu của bạn trở nên gần gũi hơn trong tâm trí khách hàng.

Bí quyết 3: Xây dựng content theo 3 kênh:

  • Kể câu chuyện doanh nghiệp.
  • Kể câu chuyện sản phẩm.
  • Kể câu chuyện bản thân.

Phần 3: Quản lý tài chính

Kinh doanh thành công luôn có những nguyên tắc nhất định và chỉ đến với ai dám làm, dám vượt qua thử thách, dám đối mặt với thất bại. Nắm rõ 3 nguyên tắc quản lý tài chính cá nhân sau đây sẽ giúp bạn sở hữu 50% sự thành công trong tương lai:

Nguyên tắc 1: Kinh doanh là phải có lời, LỖ LÀ CẮT

Ai cũng mong muốn khi hoạt động kinh doanh của mình luôn phải có lợi nhuận, càng cao càng tốt. Thế nhưng, khi kết quả lại không như mong đợi, thì họ lại không dám đối mặt với hiện thực. Đối với những trường hợp như vầy, anh Tùng chỉ có một lời khuyên cấp thiết nhất cho những doanh nghiệp này, đó là đóng cửa, nghỉ! Đơn giản vậy thôi. Người làm chủ họ biết hết chứ không phải không, rằng sắp tới mình có kế hoạch kiếm tiền được không, có làm được gì nữa không. Nếu không có, thì cứ mạnh dạn nghỉ. Hết tiền thì cái cần làm gấp là phải chốt lỗ.

Nguyên tắc 2: Một đồng bỏ ra, nhiều đồng quay lại

Bất kỳ một kế hoạch nào muốn thành công trước tiên phải có một kế hoạch chi tiết từng bước để thực hiện, đó là một trong những điều kiện cần và đủ để khởi nghiệp thành công. Phải xác định được mục tiêu và bám sát vào mục tiêu đã đặt ra, tránh để các yếu tố bên ngoài tác động làm bạn mất phương hướng.

Một chiến lược chi tiết, đầy đủ sẽ không làm bạn lúng túng trong việc thực hiện các hoạt động kinh doanh mới, từ đó giúp bạn dễ dàng kiếm được lợi nhuận.

Nguyên tắc 3: Tránh nhầm lẫn tài chính khởi nghiệp & cá nhân

Những áp lực trong công việc kinh doanh và thu chi cá nhân đã không ít lần khiến các nhà khởi nghiệp phải bối rối trong mê cung chữ số và các bảng ngân sách. Chính điều này đã phần nào vô tình khiến bạn rơi vào cảnh bế tắc khi “lẫn lộn” giữa quản lý tài chính cá nhân và doanh nghiệp.

Để tránh tình trạng đó xảy ra, bạn cần phải xác định rõ mục đích tiêu dùng cho cả hai ví tiền. Việc này giúp bạn tiện lợi trong việc đối soát khi dòng tiền chuyển đổi, tránh “chuyển nhầm” tiền từ ví này sang ví kia.

3 nguyên tắc vàng trong tài chính khởi nghiệp

Lời kết

Với 2 tiếng của buổi Workshop, Aemi hi vọng các nhà bán hàng đã có những góc nhìn thực tế về khởi nghiệp, từ đó đúc kết cho mình những bài học và kinh nghiệm cho chặng đường kinh doanh dài hạn của mình. Chắc hẳn, sự chia sẻ nhiệt tình đến từ những trải nghiệm thực tế của diễn giả Tùng BT đã giúp các bạn có thể “nạp” thông tin một cách dễ dàng hơn thay vì lắng nghe một cách bị động.

Để có thể biết thêm thông tin về những Workshop sẽ diễn ra trong thời gian sắp tới, bạn vui lòng truy cập tại: https://workshop.aemi.vn/. Rất mong sẽ cùng đồng hành với mọi người trong những buổi Workshop tiếp theo.