Trước sức nóng của công nghệ số, thị trường thương mại điện tử ngày càng mở rộng và phát triển mạnh mẽ. Hiểu rõ các mô hình thương mại điện phổ biến, nắm bắt sự phát triển của thương mại điện tử qua các giai đoạn giúp bạn lựa chọn chính xác phương thức kinh doanh. Cùng khám phá quá trình phát triển của mô hình thương mại điện tử trong bài viết dưới đây nhé!
Khái niệm về mô hình thương mại điện tử
Thương mại điện tử (E-Commerce) là một mô hình kinh doanh cho phép các doanh nghiệp và người tiêu dùng thực hiện mua và bán hàng trực tuyến qua mạng internet. So với các mô hình truyền thống, mô hình này giúp cho hoạt động mua bán, thanh toán, vận chuyển giữa nhà bán hàng và khách hàng ngày càng nhanh chóng và tiện lợi hơn. Hiện nay có khá nhiều loại mô hình kinh doanh thương mại điện tử để bạn có thể lựa chọn như B2B, B2C…
Lợi ích thương mại điện tử mang lại
Thương mại điện tử chính là tiền đề mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới với những lợi ích như:
Xóa bỏ giới hạn về không gian, thời gian
Thương mại điện tử xuất hiện gần như đã xóa bỏ khoảng cách địa lý và thời gian. Hoạt động thương mại diễn ra sôi nổi trên các kênh online giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận khách hàng và mở rộng phạm vi kinh doanh. Chỉ cần sở hữu cho mình một gian hàng trực tuyến, bạn có thể bán hàng mọi lúc mọi nơi. Thậm chí là xâm nhập thị trường nước ngoài, cung cấp các sản phẩm dịch vụ xuyên biên giới.
Tiết kiệm chi phí mặt bằng, nhân công và vận hành
Kinh doanh theo mô hình thương mại điện tử sẽ giúp bạn tiết kiệm các chi phí như:
- Chi phí thuê mặt bằng trưng bày sản phẩm.
- Chi phí thuê nhân viên bán hàng, tối giản bộ máy nhân sự.
- Ngân sách marketing nhờ các công cụ quảng cáo hiệu quả.
Giải quyết vấn đề về hàng tồn kho
Mô hình thương mại điện tử là giải pháp giúp nhà bán hàng giải quyết bài toán tồn kho. Dựa trên số liệu kinh doanh, bạn có thể dễ dàng thống kê hiệu quả bán hàng. Từ đó chủ động kiểm soát, dự trù số lượng hàng hóa hợp lý nhất.
Dễ dàng tiếp cận tệp khách hàng lớn, khách hàng tiềm năng
Nhu cầu và thói quen mua sắm online của khách hàng ngày càng tăng cao. Chính vì vậy, bán hàng qua mô hình TMĐT sẽ giúp bạn tiếp cận tới lượng lớn khách hàng tiềm năng.
Các mô hình thương mại điện tử cơ bản
Các mô hình kinh doanh TMĐT nói chung có thể được phân loại thành các loại sau:
Mô hình B2B
B2B (Business-to-Business) là mô hình thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Theo STATISTA ước tính, thị trường thương mại điện tử B2B toàn cầu ở mức hơn 12 nghìn tỷ đô. Sự xuất hiện của mô hình TMĐT B2B giúp xóa bỏ các quy trình tiếp thị thủ công. Giờ đây, các doanh nghiệp dễ dàng giao dịch với nhau thông qua các công cụ online như email, chữ ký số… Từ đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho cả nhà phân phối và nhà cung cấp.
Điển hình cho sự phát triển của mô hình thương mại điện tử này đó chính là các đơn vị phân phối sỉ online uy tín như Aemi trong lĩnh vực phân phối mỹ phẩm hay Telio trong lĩnh vực hàng tiêu dùng.
Mô hình B2C
Không thể chối bỏ được sức nóng của thị trường bán lẻ Việt Nam – đây chính là bước đệm để mô hình thương mại điện tử B2C phát triển mạnh mẽ. B2C được hiểu là hoạt động thương mại giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Với mô hình B2C, các nhà bán lẻ có thể dễ dàng giúp khách hàng của mình mua sắm thông qua mạng Internet.
Shopee, Lazada là những tên tuổi nổi bật điển hình cho sự thành công của mô hình B2C.
Mô hình B2G
B2G (Business to Government) là mô hình thương mại điện tử với sự tham gia của doanh nghiệp và chính phủ nhằm triển khai các hoạt động thương mại liên quan tới khối hành chính công. Trong mô hình này, các tổ chức chính phủ quốc gia đóng vai trò là bên mua, còn doanh nghiệp sẽ đảm nhận cung cấp các dịch vụ.
Ví dụ về mô hình B2G tại Việt Nam đó là các đơn vị sẽ cung cấp các phần mềm, cơ sở dữ liệu cho cơ quan chính phủ trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Mô hình C2B
Mô hình C2B là loại hình thương mại mà người tiêu dùng cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho doanh nghiệp. Các hoạt động như influencer marketing hay affiliate marketing là những ví dụ thực tế cho C2B. Sức mạnh của Internet và sự kết nối cộng đồng đã và đang thúc đẩy mô hình kinh doanh này bùng nổ mạnh mẽ trong tương lai.
Tóm lược về quá trình phát triển của thương mại điện tử
Để có được ngày hôm nay, thương mại điện tử đã trải qua 3 giai đoạn chính như sau:
Giai đoạn 1: Giai đoạn thương mại thông tin
Giai đoạn thông tin (I-Commerce) là giai đoạn đầu tiên với dấu ấn là sự xuất hiện của Website. Đây được xem là bước ngoặt của TMĐT khi mọi thông tin của doanh nghiệp được đăng tải trên mạng internet. Tuy nhiên, thông tin vẫn mang tính tương tác một chiều, chỉ dừng lại ở mức độ giới thiệu. Mọi hoạt động đàm phán tương tác đều thực hiện qua các kênh khác như Email, diễn đàn.
Giai đoạn 2: Giai đoạn thương mại giao dịch
Sau khá nhiều nỗ lực, giai đoạn thương mại giao dịch đã có những bước chuyển mình đáng kể. Cụ thể là sự ra đời của phương thức thanh toán điện tử. Phương thức này giúp người mua có thể thực hiện thanh toán ngay khi mua hàng online thuận tiện. Bên cạnh đó giai đoạn này cũng có những đổi mới đáng chú ý như:
- Các sản phẩm số hóa như sách điện tử, khóa học online xuất hiện rầm rộ.
- Doanh nghiệp bắt đầu hình thành mạng lưới nội bộ để chia sẻ và bảo mật dữ liệu.
- Các giao dịch B2B diễn ra thuận tiện hơn nhờ sự góp mặt của hợp đồng điện tử.
Giai đoạn thương mại cộng tác
Giai đoạn thương mại cộng tác (C-Business) được đánh giá là giai đoạn phát triển cao nhất của TMĐT. Đây là thời điểm mỗi đơn vị tham gia thương mại điện tử bất kể là doanh nghiệp, chính phủ hay khách hàng đều phải có sự cộng tác và phối hợp chặt chẽ với nhau. Bên cạnh đó, công nghệ thông tin được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đã thúc đẩy quá trình số hóa của nhiều doanh nghiệp diễn ra nhanh hơn. Đòi hỏi doanh nghiệp phải liên tục cập nhập công nghệ, các phần mềm nhằm tối ưu hoạt động kinh doanh.
Tình hình thương mại điện tử ở Việt Nam
Báo cáo mới nhất của Google và Temasek cho biết, giá trị giao dịch của thị trường Việt Nam đạt 9 tỷ USD và là quốc gia có tỷ lệ phần trăm nền kinh tế internet trên tổng thu nhập quốc dân (GDP) cao nhất khu vực Đông Nam Á với mức 4% trên tổng GDP. Chúng ta có thể thấy tốc độ tăng trưởng cũng như cơ hội phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam vô cùng lớn. Chính phủ cũng không đứng ngoài cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với vô vàn chính sách khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển TMĐT. Từ đó nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của thị trường TMĐT Việt Nam.
Kết luận
Sự phát triển của thương mại điện tử sẽ là bàn đạp quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam vững mạnh. Hi vọng bài viết từ Aemi đã mang tới bạn đọc những thông tin hữu ích và lựa chọn cho mình được mô hình kinh doanh phù hợp nhất.